Ngành Báo Chí: Học Gì? Ở Đâu? Ra Trường Làm Gì?

ngành báo chí

Báo chí là một trong những ngành học chưa bao giờ giảm độ hot, có mức điểm chuẩn cao và được rất nhiều bạn trẻ quan tâm, dự định theo học. Vậy tại sao ngành học này lại có sức hút đến vậy? Tìm hiểu ngay ngành Báo chí là gì và những thông tin liên quan cùng Navigates trong bài viết sau.

Ngành Báo chí là gì?

báo chí là gì
Báo chí là ngành gì?

Đây là ngành học giúp sinh viên phát triển những kỹ năng, kiến thức để áp dụng vào việc nghiên cứu và cung cấp thông tin cho khán giả (người đọc/người nghe/người xem) trên các phương tiện truyền thông, báo chí.

Trong thời buổi hiện nay, báo chí không chỉ gói gọn trong những ấn phẩm truyền thống như báo in, tạp chí mà còn được mở rộng ra báo mạng điện tử, báo đa phương tiện, báo phát thanh, báo truyền hình,… Nhu cầu tiếp nhận thông tin vì thế tăng cao, mở ra tiềm năng lớn cho ngành này.

Học Báo chí đào tạo những kiến thức và kỹ năng gì?

Báo chí gồm những chuyên ngành gì?

Tùy theo trường, các chuyên ngành sẽ có khác biệt. Sau khi khảo sát chương trình đào tạo tại các trường, chúng tôi nhận định ngành học có 6 chuyên ngành phổ biến là:

  • Báo in: đào tạo kiến thức chuyên sâu về các loại báo in và kỹ năng sáng tạo, sản xuất các ấn phẩm báo chí.
  • Báo phát thanh: đào tạo chuyên môn về kiến thức, kỹ năng để sáng tạo và biên tập các sản phẩm cho chương trình phát thanh (phổ biến trên sóng radio).
  • Báo truyền hình: đào tạo chuyên môn về kiến thức, kỹ năng để sáng tác và biên tập các sản phẩm cho chương trình truyền hình, phương tiện điện tử,…
  • Báo mạng điện tử: đào tạo chuyên môn,kiến thức, kỹ năng để sáng tạo và biên tập thông tin báo chí những trang báo được xây dựng theo hình thức website, phát hành dựa trên nền tảng Internet.
  • Ảnh báo chí: đào tạo chuyên môn về kiến thức, kỹ năng để tạo ra những bức ảnh đạt chuẩn để đưa vào tác phẩm báo chí.
  • Quay phim truyền hình: đào tạo chuyên môn về kiến thức, kỹ năng để quay phim truyền hình.
Lĩnh vực Báo mạng điện tử đang bùng nổ những năm gần đây
Lĩnh vực Báo mạng điện tử đang bùng nổ những năm gần đây

Chúng tôi đánh giá rằng các chuyên ngành của ngành học rất đa dạng. Với xu thế truyền thông kỹ thuật số bùng nổ như hiện nay, hai chuyên ngành Báo mạng và Báo truyền hình đang mở ra rất nhiều cơ hội việc làm. Tuy nhiên, các bạn cũng nên cân nhắc về khả năng, sở thích của bản thân để đưa ra lựa chọn phù hợp.

Ngành Báo chí đào tạo những kiến thức, kỹ năng gì?

  • Khối kiến thức đại cương: bao gồm các môn học về Khoa học Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Khoa học Xã hội và Nhân văn, Ngoại ngữ,… nhằm cung cấp kiến thức nền tảng cho sinh viên về chính trị, xã hội. Từ những kiến thức đó, sinh viên có thể đánh giá tính đúng đắn của tin tức. 
  • Khối kiến thức tổng quan về ngành : bao gồm những môn học tìm hiểu về cơ sở lý luận, phong cách ngôn ngữ và những kiến thức cơ bản về từng thể loại báo chí , đem đến cái nhìn tổng quan về ngành báo.
  • Khối kiến thức chuyên ngành: gồm những môn học phân chia theo từng chuyên ngành cụ thể, bao gồm cả lý thuyết và thực hành, những kiến thức này được ứng dụng rất nhiều trong quá trình làm việc về sau. 
  • Nhóm các kỹ năng Báo chí: mỗi chuyên ngành lại có một nhóm kỹ năng đặc trưng riêng, tuy nhiên sinh viên ngành này đều được đào tạo về các kỹ năng như tiếp nhận, khai thác, xử lý thông tin; viết và biên tập,…

Chúng tôi nhận định những kiến thức của ngành học này không quá nặng nề về lý thuyết, tuy nhiên lại cần khả năng nhận định, phân tích vấn đề một cách chính xác. Đồng thời, các kỹ năng của ngành cũng cần thời gian để thông thạo và ứng dụng linh hoạt trong công việc.

Sinh viên ra trường làm gì và thu nhập bao nhiêu? 

Người học ngành này có cơ hội việc làm đa dạng ở nhiều lĩnh vực,:

  • Phóng viên tại các cơ quan: thu thập thông tin về tình hình kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội,… đưa về cho các cơ quan báo chí. Mức lương bắt đầu từ 6.000.000 VNĐ/tháng và có thể lên đến 20.000.000 VNĐ/tháng.
  • Phóng viên tự do: cũng làm việc thu thập thông tin, tuy nhiên không cố định tại một cơ quan nào mà sẽ tiến hành làm việc tự do, bán các bài báo cho các cơ quan. Thu nhập của người làm công việc này không cố định, phụ thuộc vào số lượng, chất lượng bài viết.
  • Biên tập viên: kiểm tra tính chính xác, biên soạn, góp ý về nội dung của bản thảo trước khi xuất bản. Mức lương của Biên tập viên hạng I chưa có kinh nghiệm là khoảng 4.000.000-7.000.000 VNĐ/tháng và khi đã có kinh nghiệm, sẽ lên tới hơn 10.000.000 VNĐ/tháng.
  • Chuyên viên content:viết những nội dung để tiến hành Marketing, quảng bá, giới thiệu tới khách hàng và đại chúng. Mức lương của một chuyên viên content chưa có kinh nghiệm khởi điểm từ 6.000.000 VNĐ/tháng và có thể lên trên 15.000.000 VNĐ/tháng.
  • Bình luận viên: tường thuật và bình luận về một vấn đề, chương trình, sự kiện nào đó trên các phương tiện truyền thông. Mức lương của người làm ngành này thông thường dao động ở mức từ 10.000.000 đến 15.000.000 VNĐ/tháng.
  • MC: dẫn chương trình cho các chương trình, hội nghị, sự kiện của đài truyền hình hoặc cho các công ty. Mức lương cho người mới bắt đầu từ 5.000.000 VNĐ/tháng và có thể lên đến trên 15.000.000 VNĐ/tháng cho những MC có kỹ năng tốt.
  • Các công việc về hình ảnh Báo chí: quay, chụp và dựng phim/ dựng video được sử dụng trong các ấn phẩm báo, tạp chí. Mức lương của người có ít kinh nghiệm từ 6.000.000 VNĐ/tháng và có thể lên đến vài chục triệu nếu có kỹ năng tốt.
Bình luận viên - biên tập viên là một trong các công việc của sinh viên khi ra trường
Bình luận viên – biên tập viên là một trong các công việc của sinh viên khi ra trường

Qua những công việc kể trên, chúng tôi đánh giá rằng cơ hội nghề nghiệp của ngành rất đa dạng, sinh viên ngành Báo ra trường sẽ không cần lo lắng về cơ hội việc làm. Mức lương khởi điểm của ngành này ở mức trung bình khá, bạn sẽ cần nhiều kinh nghiệm mới có thể nhận được mức lương cao.

Ngành Báo chí phù hợp với ai?

Những bạn có tư duy sáng tạo rất hợp với nghề báo
Những bạn có tư duy sáng tạo rất hợp với nghề báo
  • Người có khả năng phân tích, xử lý thông tin: đây là ngành nghề làm việc với khối lượng thông tin cực lớn từ nhiều nguồn khác nhau, do đó, nếu yêu thích và có khả năng xử lý, xác thực tính chính xác của thông tin thì đây là ngành hợp với bạn.
  • Nhạy bén với cái mới: nếu bạn là người luôn yêu thích sự đổi mới, cập nhật thông tin liên tục thì ngành này là một sự lựa chọn phù hợp, bởi ngành này đòi hỏi luôn nắm bắt và đón đầu xu hướng.
  • Năng động, sáng tạo: với nhịp làm việc nhanh và liên tục đổi mới, người học ngành này cũng cần sự nhạy bén nhất định.
  • Có tính kỷ luật, cẩn thận: Không chỉ cần sáng tạo, ngành học này cũng đòi hỏi bạn phải có tính chính xác, thông tin báo chí sai lệch có thể gây ra hệ lụy lớn.
  • Thích giao tiếp, tiếp xúc: Người làm báo phải tiếp xúc rất nhiều để có thể tác nghiệp, tạo dựng mối quan hệ.

Học Báo chí ở đâu?

Học ngành Báo chí thi khối nào?

Học Báo chí có thể thi khối A16, C00, C03, D01, nhóm khối R năng khiếu cùng một số khối liên quan. Trong đó, khối C00 của ngành có điểm chuẩn cao nhất, dao động từ 27 tới gần 30 điểm. Các bạn thí sinh nên cân nhắc thật kỹ khi chọn khối thi này.

Theo chúng tôi đánh giá, các bạn thí sinh cần ôn kỹ môn Ngữ văn. Ngoài ra, một số trường sẽ tuyển sinh bằng các môn năng khiếu, thí sinh cần nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh để có phương pháp ôn tập phù hợp

Top 5 trường đào tạo Báo chí tốt nhất

Học viện Báo chí - Tuyên truyền là một trong những trường hàng đầu đào tạo
Học viện Báo chí – Tuyên truyền là một trong những trường hàng đầu đào tạo

Tham khảo điểm chuẩn Học viện Báo chí và Tuyên truyền và điểm chuẩn các trường khác dưới đây:

Trường

Điểm chuẩn ( 2022)

Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN

22-27.75

Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP.HCM

23.8-25.3

Đại học Tôn Đức Thắng

28.5

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

24.46-25.46

Đại học Cần Thơ

25.75

* Thang điểm 40

Mức điểm của ngành chủ yếu rơi vào khoảng từ 25 đến gần 30 điểm. Đây là mức điểm chuẩn rất cao, do đó, ngành này được đánh giá là một trong những ngành hot nhất năm 2022 và năm 2023 sắp tới.

Theo chúng tôi nhận định thông qua mức điểm chuẩn và thâm niên đào tạo, ba trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM là những trường tốt nhất. Cả ba đều có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực này, có tính chương trình đào tạo mang tính ứng dụng cao. 

Những hiểu lầm về ngành học là gì?

Ngành học này tồn tại những hiểu lầm như công việc rập khuôn, khô khan, không dành cho người hướng nội và cần quan hệ rộng.

  • Chỉ có công việc lấy tin và viết bài: trên thực tế, đây là công việc của người phóng viên và trong ngành này, còn có nhiều vị trí công việc khác cần nhiều kiến thức và kỹ năng hơn thế.
  • Báo chí không dành cho người hướng nội: thông thường, những người hướng nội có khả năng quan sát và đánh giá thông tin rất tốt, điều này là một lợi thế khi làm các công việc báo chí. Một số vị trí nghề nghiệp trong ngành cũng không yêu cầu giao tiếp quá nhiều như biên tập, lên kế hoạch truyền thông,…
Biên tập - công việc trong ngành Báo dành cho người hướng nội
Biên tập – công việc trong ngành Báo dành cho người hướng nội
  • Kiến thức khô khan: vì khối lượng môn học lý thuyết khá lớn nên nhiều người nghĩ rằng đây là ngành học “bác học”. Trên thực tế, người học ngành này được đào tạo rất nhiều về kỹ năng mềm, khả năng xử lý tình huống thực tiễn.
  • Cần nhiều mối quan hệ xã hội: người không có sẵn nhiều mối quan hệ vẫn có thể tự mở rộng nguồn thông tin cho riêng mình để hành nghề.

Những khó khăn của ngành là gì?

Ngành học có rất nhiều thách thức
Ngành học có rất nhiều thách thức
  • Là nghề chịu áp lực lớn: thu thập và tạo ra những sản phẩm chính xác và kịp thời là điều rất khó khăn. Một người phóng viên lấy tin cũng có thể gặp nguy hiểm khi việc đưa tin xung đột với lợi ích của những nhóm người khác.
  • Sự cạnh tranh khốc liệt: Đây là ngành có rất nhiều đối thủ cạnh tranh, để làm tốt công việc của mình, bạn buộc phải cạnh tranh với rất nhiều đơn vị truyền thông. 
  • Sự đổi mới liên tục: người làm nghề truyền thông và báo chí luôn cần đổi mới, cập nhật để đáp ứng nhu cầu thay đổi liên tục của người nghe, người xem.

Kết luận

Qua những thông tin đã nghiên cứu ở trên, chúng tôi đánh giá rằng đây là ngành rất có tiềm năng phát triển trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, đây sẽ là ngành hợp với những bạn năng động, sáng tạo, nhạy bén với những thứ mới mẻ. Hy vọng qua bài viết, các bạn đã hiểu được Báo chí là ngành gì để có được định hướng phù hợp cho tương lai.

Phương Hạ Nguyễn
Thông tin tuyển sinh và hướng nghiệp: Navigates
Logo