Du lịch là ngành gì? Ngành này có tiềm năng phát triển thế nào trong thị trường việc làm hiện nay? Hãy cùng Navigates tìm hiểu về ngành công nghiệp không khói mang tên Du lịch và những cơ hội bứt phá trong lộ trình nghề nghiệp như nơi học, yêu cầu công việc và cơ hội việc làm trong ngành này. Bài viết này sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quát hơn về ngành Du lịch.
Ngành Du lịch là gì?
Du lịch là một ngành chuyên đào tạo nhân sự phân bổ vào các nhóm dịch vụ như các cơ sở lữ hành, nhà hàng, khách sạn và cả các khu vui chơi giải trí,… Thông qua việc đào tạo chuyên sâu, nguồn nhân lực này có thể đáp ứng được nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng của du khách.

Ngành này không những phải đáp ứng đầy đủ nhu cầu của du khách như tham quan, nghỉ ngơi, giải trí mà còn phải thông qua đó quảng bá hình ảnh của quốc gia, nâng cao giá trị của điểm thăm quan mà du khách ghé đến và góp phần làm ổn định nền kinh tế thị trường của đất nước.
Song hành cùng sự phát triển của ngành thì việc gia tăng nguồn nhân lực là nhu cầu cấp thiết. Do đó, cơ hội việc làm của ngành luôn rộng mở cho những người quan tâm, nhất là sau giai đoạn dịch Covid-19.
Du lịch đào tạo những gì?
Du lịch có những chuyên ngành gì?
Các trường đại học sẽ có những chương trình đào tạo liên quan đến ngành học này khác nhau. Do đó, ngành được chia thành nhiều chuyên ngành nhỏ khác và rất đa dạng. Dưới đây là một số chuyên ngành chính mà hầu hết ngôi trường nào cũng đào tạo:
- Lữ hành – Hướng dẫn viên Du lịch: Chuyên ngành đào tạo những người dẫn đoàn du lịch, cung cấp kiến thức văn hóa địa phương và các hoạt động trải nghiệm cho du khách. Những nội dung được ngành đào tạo là các kiến thức cơ bản về tổ chức các sự kiện văn hóa – du lịch, kỹ năng thuyết trình và tổ chức các hoạt động hoạt náo. Ngành phù hợp các bạn có niềm đam mê khám phá cảnh đẹp địa phương, nâng cao những giá trị văn hóa của đất nước.
- Hướng dẫn Du lịch Quốc tế: Công việc chủ yếu là đưa ra các dịch vụ thăm quan đối với khách quốc tế, hỗ trợ du lịch nước ngoài với khách nội địa. Ngoài ra, nhân viên còn phải phục vụ các dịch vụ đưa đón, xuất, nhập cảnh cho du khách. Những nội dung đào tạo là về kiến thức cảnh quan, văn hóa và lữ hành quốc tế. Ngành phù hợp với các bạn có khả năng ngoại ngữ tốt.
- Văn hóa Du lịch: Nhân viên của ngành chuyên thực hiện xây dựng các sản phẩm đặc trưng của địa phương, văn hóa doanh nghiệp và tổ chức các sự kiện văn hóa – du lịch phù hợp với yêu cầu và khả năng của địa phương, doanh nghiệp sở tại. Ngành chuyên đào tạo về kiến thức đầu tư du lịch, xây dựng sản phẩm và làm việc với địa phương. Ngành phù hợp với các bạn sinh viên có khả năng sáng tạo và lập kế hoạch tốt.
Ngành có sự đa dạng trong các chuyên ngành đào tạo, tuy nhiên, chuyên ngành hướng dẫn Du lịch quốc tế đang là xu hướng được nhiều bạn trẻ lựa chọn theo học.

Du lịch đào tạo kiến thức, kỹ năng gì?
- Kỹ năng ngoại ngữ: Để có thể dẫn dắt được đoàn khách nước ngoài hoặc thực hiện các tour ngoài nước, làm việc ở các cơ sở quốc tế, bạn cần phải có vốn ngoại ngữ tốt. Hầu hết, những chuyên viên đều thông thạo ít nhất 2 ngôn ngữ.
- Kiến thức về văn hóa – xã hội: Để có thể giúp du khách trải nghiệm chuyến đi một cách trọn vẹn, điều kiện tiên quyết là người hướng dẫn viên phải hiểu rõ về văn hóa, con người ở địa điểm đó để giới thiệu điểm đến một cách đúng và đủ nhất. Do đó, những nền tảng kiến thức về địa lý, văn hóa và xã hội tốt sẽ giúp bạn có những đánh giá tích cực từ du khách.
- Kỹ năng giải quyết vấn đề: Khi dẫn các đoàn thăm quan, bạn sẽ cần chịu trách nhiệm về một nhóm người bao gồm nhiều độ tuổi, tính cách và thói quen khác nhau. Điều này có khả năng dẫn đến những sự cố bất ngờ, đòi hỏi hướng dẫn viên có được những ứng biến nhanh từ người hướng dẫn viên để chuyến đi có thể được tiếp tục và trải nghiệm của khách hàng được bảo vệ trọn vẹn.
Theo chúng tôi đánh giá, những kỹ năng kể trên đều không khó để trau dồi, hầu hết chỉ cần có thời gian tập luyện và tìm hiểu những kiến thức nền tảng thì hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu của ngành.

Học Du lịch ra làm gì? Mức thu nhập bao nhiêu?
Du lịch có thể nói đến là ngành có mức độ tăng trưởng bậc nhất hiện nay, do đó, cơ hội nghề nghiệp là không giới hạn, sinh viên ra trường có thể làm các công việc như:
- Hướng dẫn viên Du lịch: Tổ chức, hướng dẫn các chuyến tham quan, vui chơi, nghỉ dưỡng,… dành cho du khách trải nghiệm. Ngoài ra, họ phải phối hợp với các đơn vị quản trị để đưa ra các giải pháp cho tình huống bất ngờ. Mức lương cơ bản cho công việc này là từ 7-10 triệu đồng.
- Quản lý khách sạn: Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực và điều hành toàn bộ công việc tại khách sạn. Ngoài ra, quản lý khách sạn còn phải xây dựng mối quan hệ đối với khách hàng và chịu trách nhiệm cho các hành vi của tổ chức. Mức lương cơ bản là từ 12-15 triệu đồng.
- Chuyên viên thiết kế và phát triển sản phẩm lữ hành: Thực hiện khảo sát địa phương và phát triển các sản phẩm du lịch trọn gói cho du khách. Mức lương cơ bản là từ 7-10 triệu đồng.
- Nhân viên marketing du lịch: Thực hiện nghiên cứu thị trường, phác thảo nhu cầu của du khách và đánh giá khả năng của doanh nghiệp để đưa ra đề xuất sản phẩm du lịch. Mức lương cơ bản là từ 8-10 triệu đồng.
Ngoài ra, với tính cách năng động và khả năng học nhanh của mình, cử nhân còn có thể trải nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác. Theo chúng tôi nhận định, ngành này có tiềm năng phát triển mạnh mẽ và cơ hội việc làm của sinh viên ngành này luôn rộng mở. Với mức sống ngày càng được nâng cao, con người ngày càng có nhiều hơn nhu cầu trải nghiệm, thư giãn so với trước đây, do đó, ngành học này sẽ cần nhiều nhân lực.

Ngành Du lịch phù hợp với ai?

Du lịch là một trong những ngành năng động, có nhiều cơ hội việc làm nhưng lại không thiếu những áp lực. Do đó, để có thể phát triển và đi xa hơn trong lĩnh vực này, bạn cần phải có những tố chất nhất định.
- Hòa đồng và kiên nhẫn: Điều cần thiết là nhân viên phải đem đến những trải nghiệm cho khách hàng, thậm chí là làm hài lòng về dịch vụ cũng như kỹ năng của mình. Do đó, những tính cách trên sẽ giúp bạn thấu hiểu khách hàng và mang lại cho họ những trải nghiệm tích cực hơn.
- Kỹ năng giao tiếp tốt: Môi trường làm việc tại ngành cần phải tiếp xúc nhiều người, do đó mà kỹ năng giao tiếp sẽ giúp bạn tìm hiểu được nhu cầu của du khách và đem đến cái nhìn thiện cảm hơn cho từng trải nghiệm. Đồng thời, để có thể trở thành một hướng dẫn viên giỏi, bạn nên sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ.
- Sẵn sàng tiếp thu cái mới: Thị trường ngành này luôn biến động và nhu cầu du khách cũng thay đổi đa dạng theo. Chính vì thế mà việc bạn sẵn sàng tiếp thu cái mới, chủ động học hỏi và khám phá những làn sóng chuyển đổi của xã hội sẽ là một bước chạy đà hoàn hảo để có thể phát triển tốt trong công việc.
- Hiểu biết về văn hóa, lịch sử: Đây là yêu cầu cơ bản với một hướng dẫn viên du lịch. Để có thể giúp du khách hiểu và trải nghiệm những điểm tham quan một cách cụ thể hơn, hướng dẫn viên sẽ là cầu nối quan trọng nhất.
Học Du lịch ở đâu?
Ngành Du lịch thi khối gì?
Hiện tại rất nhiều trường đại học, cao đẳng đào tạo nhân lực về ngành học này. Đây cũng là ngành tuyển sinh khối rất đa dạng. Cụ thể, thí sinh có thể nộp hồ sơ xét tuyển vào các khối sau: C00, A00, D01, D07, D14,…
Thi sinh nên tập trung ôn luyện theo hướng xã hội, chủ yếu là môn Văn, Sử, Địa,.. Ngoài ra, môn Toán và Anh cũng thuộc nhiều khối xét tuyển của ngành. Tùy vào nhu cầu và định hướng, sinh viên có thể lựa chọn môn học của mình
Top trường đào tạo Du lịch tốt nhất?
Tên trường | Điểm chuẩn (2022) |
Đại học Văn hóa Hà Nội | 26-27 và 31.85* |
Đại học Công nghiệp Hà Nội | 25.75 |
Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh | 25.5 |
Đại học Sài Gòn | 24.45 |
Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh | 23.8 |
*Thang điểm 40
Mức điểm cho ngành này nằm ở mức khá cao so với mặt bằng chung. Do đó, bạn cần phải ôn luyện từ sớm để chuẩn bị hành trang theo học của bản thân. Hầu hết các cơ sở đào tạo đều tập trung chuyên về văn hóa và đa ngành nghề. Trong đó, Đại học Văn hóa Hà Nội hoặc Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh được đánh giá là đào tạo Du lịch mà các bạn thí sinh nên theo học.
Những lầm tưởng về ngành
Chỉ dành cho những người năng động
Ngành này đa phần được biết đến với các công việc như hướng dẫn viên , quản trị đoàn du lịch nên thường bị nhầm lẫn là chỉ dành cho những người năng động. Tuy nhiên, những người không quá năng động vẫn có thể học với các dịch vụ khác như quản trị, điều hành dịch vụ, quản lý văn hóa du lịch,…
Không làm được những công việc khác
Rất nhiều người đều nghĩ rằng nếu theo học ngành này, khi học xong chỉ có thể làm công việc liên quan đến du lịch. Điều này là hoàn toàn sai lầm khi mà những nhân viên có một nền tảng kiến thức lớn, thấu hiểu được thị trường và có mối quan hệ rộng với du khách (vốn là khách có thu nhập ổn định đến cao). Do đó, họ có thể hoàn toàn làm những công việc khác như dịch vụ ăn, uống, phục vụ bar, buồng tại các cơ sở dịch vụ, lễ tân hoặc nếu ngoại ngữ tốt có thể làm thư ký, trợ lý,…
Những thách thức về ngành học này
Làm việc với giờ giấc thất thường
Công việc của ngành này là được trải nghiệm tại nhiều địa phương khác nhau, nhưng chính điểm mạnh đó là trở thành thách thức của nhiều người khi giờ giấc làm việc sẽ phải thay đổi linh hoạt, thậm chí là làm việc cả ngày Tết.

Cảm xúc luôn phải được kiểm soát
Chúng ta đều biết rằng, cảm xúc là thứ rất khó kiểm soát, nhưng đối với những ai lựa chọn làm nghề dịch vụ thì phải luôn luôn điều tiết cảm xúc. Dù có cáu gắt, tức giận hay buồn bã thì khi bắt tay vào công việc, họ vẫn luôn nở nụ cười với khách hàng.
Làm “dâu trăm họ”
Điều này không phải chỉ riêng hướng dẫn viên du lịch chịu phải mà hầu hết những người làm trong ngành đều trải qua. Trở thành nhân viên trong ngành này, bạn phải luôn lắng nghe nhiều luồng ý kiến khác nhau của du khách và phải cố gắng làm hài lòng khách hàng của mình.
Kết luận
Hiện nay, cơ hội việc làm của Du lịch luôn rộng mở nhưng bạn cần phải hiểu rõ nhưng khó khăn và thách thức hiện tại của ngành. Theo chúng tôi nhận định, ngành chỉ phù hợp với những người hướng ngoại, có khả năng giao tiếp tốt. Mong rằng bài viết trên đã có thể giải đáp được câu hỏi Du lịch là ngành gì?” của bạn.