Ngành Hệ Thống Thông Tin: Học Gì? Ở Đâu? Ra Trường Làm Gì?

ngành hệ thống thông tin

Hệ thống thông tin là gì? Tại sao ngành lại nằm trong danh sách những ngành có mức lương cao nhất hiện nay? Đây là hai câu hỏi mà nhiều người luôn đặt ra khi tìm hiểu về ngành này. Theo đánh giá của Navigates, ngành Hệ thống thông tin ngày càng thể hiện được tầm quan trọng của mình trên thị trường, do đó mà cơ hội việc làm của ngành luôn rộng mở.

Ngành Hệ thống thông tin là gì?

Hệ thống thông tin (Information System – IS) là một ngành được phát triển dựa trên những giá trị mà ngành công nghệ thông tin đã tạo ra. Sinh viên sẽ được đào tạo để có khả năng sử dụng, thiết lập các hệ thống xử lý dữ liệu nhằm quản lý thông tin, từ đó đưa ra cơ sở cho những quyết định của người quản trị doanh nghiệp.

Hệ thống thông tin là gì?
Hệ thống thông tin là gì? Tại sao được đánh giá là ngành tiềm năng ngày nay?

Hệ thống thông tin khai thác và kết hợp các phần mềm, phần cứng và các mạng lưới hỗ trợ truyền thông một cách chặt chẽ nhằm thu lấy những dữ liệu giá trị cho doanh nghiệp. Từ đó, doanh nghiệp sẽ đánh giá và phân tích khả năng của hoạt động kinh doanh trên thị trường. Ngoài những công việc chuyên môn về xử lý số liệu, ngành còn đem đến cơ hội cho sinh viên trải nghiệm học tập về chỉ tiêu kinh tế và cách vận hành doanh nghiệp.

Hệ thống thông tin đào tạo kỹ năng gì?

Những chuyên môn đào tạo của ngành đều liên quan đến nguồn dữ liệu
Những chuyên môn đào tạo của ngành đều liên quan đến nguồn dữ liệu

Như vậy, một chuyên viên Hệ thống thông tin sẽ được đào tạo những kỹ năng:

  • Vận hành, bảo trì các hệ thống thông tin dưới dạng số liệu: Kỹ năng vận hành hệ thống để thu thập số liệu và bảo trì khi có vấn đề xảy đến sẽ giúp bạn tối ưu hóa được thông tin và hạn chế các rủi ro. 
  • Thiết kế, vẽ lưu đồ và các quy trình vận hành của hệ thống: Để khách hàng có thể hiểu rõ được quy trình vận hành cũng như để bản thân tìm ra được các sai sót, kỹ năng thiết kế và vẽ lưu đồ sẽ cung cấp cái nhìn tổng quan hơn về hệ thống.
  • Kiến thiết, lập trình các quy trình xử lý thông tin: Kỹ năng này giúp khai thác giá trị sử dụng của các phần mềm và phần cứng. Một kỹ sư muốn thành công nhất định phải thành thục kỹ năng này. 
  • Khả năng quản trị: Kỹ năng này sẽ giúp hoàn thành dự án, có cái nhìn tổng quát hơn về tình hình của doanh nghiệp để đưa ra những giải pháp hữu ích.

Hầu hết các kỹ năng được đào tạo của ngành đều đòi hỏi các yếu tố chuyên môn cao, tuy nhiên lại không khó học nếu bạn là người có khả năng nhạy bén với các con số và có tư duy sáng tạo.

Học ngành Hệ thống thông tin ra làm gì? Mức thu nhập bao nhiêu?

Ngành nghề có nhiều cơ hội việc làm
Ngành nghề có nhiều cơ hội việc làm

Cử nhân Hệ thống thông tin sẽ làm việc với các máy chủ của các công ty, doanh nghiệp và tổ chức, qua đó trực tiếp đến việc quản lý cũng như cấp phát các nguồn tài nguyên thông tin của nội bộ doanh nghiệp.

Dưới đây là những vị trí phổ biến dành cho cử nhân ngành này bạn có thể tham khảo:

Business analyst (BA)

BA làm công việc kết nối người dùng với hệ thống và thông qua đó phân tích được nhu cầu của họ. Từ thông số đã được thu thập, các lập trình viên sẽ có thể thiết kế và xây dựng phần mềm theo đề xuất mà BA đưa ra.

Mức lương khởi điểm sẽ dao động trong khoảng 7-12 triệu đồng và có thể lên tới trên 10 triệu..

Kỹ sư quản lý hệ thống

Công việc của kỹ sư quản lý hệ thống chủ yếu là quản trị mạng lưới kết nối của công ty và bảo trì phần mềm. Ngoài ra, kỹ sư quản lý hệ thống còn thực hiện vận hành và giám sát thông tin dữ liệu để bảo vệ khi cần thiết.

Mức lương cho người mới ra trường khoảng 8-15 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, với kinh nghiệm 5-7 năm, mức lương nhận được sẽ là 20-30 triệu đồng.

Data engineer

Data engineer là người xây dựng, vận hành và kiểm tra các kiến trúc tổng thể của dữ liệu. Hầu hết dữ liệu được thu thập từ các hệ thống hoặc ứng dụng do kỹ sư phần mềm phát triển. Ngoài ra, công việc của ngành này còn có thể rẽ sang hướng phân tích dữ liệu và tạo các mô hình dự báo chỉ số. Mức lương dao động của người có kinh nghiệm từ 5-7 năm là 16-35 triệu đồng.

Lập trình viên website

Người làm nghề này có nhiệm vụ xây dựng các ứng dụng chạy trên nền tảng website. Qua đó, giúp khai thác, hệ thống và cấp phát hệ thống thông tin trong và ngoài tổ chức tốt hơn.

Giảng dạy

Một lựa chọn khác đó là trở thành giáo viên, giảng viên chuyên giảng dạy các kiến thức liên quan đến ngành tại các trường đại học, cao đẳng, đơn vị đào tạo nghề, trung cấp hoặc giáo viên tin học tại các trường trung học các cấp.

Ngành Hệ thống thông tin phù hợp với ai?

Cần có những tố chất nhất định để theo Hệ thống thông tin
Cần có những tố chất nhất định để theo Hệ thống thông tin
  • Đam mê với hệ thống phần mềm của công nghệ: Hiển nhiên, vì ngành này chuyên về xử lý dữ liệu và tiếp ứng đối với phần mềm, phần cứng của hệ thống.
  • Luôn luôn chịu được áp lực ở tần suất cao: Việc xử lý quá nhiều dữ liệu sẽ dễ dẫn đến những áp lực đối với tâm lý. Ngoài ra, con số dữ liệu luôn có biến động nên việc thích ứng với tần suất công việc cao là điều cần thiết.
  • Cập nhật kiến thức mới, nhạy bén trong xử lý: Để doanh nghiệp vận hành tốt thì điều đầu tiên là nắm rõ được xu hướng thị trường, từ đó có thể thu thập dữ liệu đúng với nhu cầu.

Học Hệ thống thông tin ở đâu?

Công nghệ là chìa khóa mở ra thành công cho doanh nghiệp, do đó mà việc đào tạo nhân lực cho ngành này đang là một xu hướng được chú trọng.

Ngành Hệ thống thông tin thi khối gì?

Ngành Hệ thống thông tin thường tổ chức xét tuyển với các khối học về tự nhiên như A00, A01, D01, D07,… Do đó, những bạn có tố chất nhạy bén với con số, giỏi môn tự nhiên sẽ phù hợp với ngành.

Top trường đào tạo Hệ thống thông tin tốt nhất?

Tìm hiểu điểm chuẩn Đại học Công nghiêp Hà Nội và điểm chuẩn ngành này của các trường dưới đây.

Tên trường

Điểm chuẩn (2022)

Đại học Công nghệ thông tin - ĐHQG TPHCM

26.7

Đại học Thủy Lợi

25.55

Đại học Công nghiệp Hà Nội

25.15

Đại học Công nghệ - ĐHQG Hà Nội

25

Đại học Cần Thơ

24.75

Theo chúng tôi đánh giá, ngành này có mức điểm nằm trong nhóm những chuyên ngành có phổ điểm khá cao, khoảng 24-27 điểm. Tuy nhiên, các bạn học lực không quá tốt có thể theo học ngành này tại các đại học dân lập, các cơ sở đào tạo uy tín khác. Hiện tại, Đại học Công nghệ thông tin – ĐHQG TPHCM đang là trường được nhiều thí sinh lựa chọn để thi tuyển nhất.

Những lầm tưởng về ngành

Học Hệ thống thông tin ra chỉ làm lập trình viên

Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng khi học ngành này chủ yếu sẽ làm lập trình viên. Nhưng nhân lực ngành này còn có thể làm công việc giám sát, thực hiện vận hành hệ thống dữ liệu của doanh nghiệp.

Những lầm tưởng trong Hệ thống thông tin?
Những lầm tưởng trong Hệ thống thông tin?

Tuổi đời của ngành rất ngắn

Một trong những hiểu lầm khác là tuổi nghề của Hệ thống thông tin rất ngắn, thậm chí là chỉ xoay quanh 25-40 tuổi. Nhưng thật ra, những chuyên gia trong ngành này có thể chuyển hướng sang làm tư vấn viên kỹ thuật cao cấp hoặc giảng viên.

Những thách thức khi theo học

Tính cạnh tranh cao, dễ bị đào thải

Hiện nay, Hệ thống thông tin đang thu hút được sự đầu tư mạnh mẽ. Ngày càng có nhiều sinh viên theo đuổi ngành này, chất lượng nhân lực cũng được cải thiện rõ rệt. Vì thế, nếu bạn không chịu khó trau dồi, sức ép và nguy cơ bị đào thải của ngành này rất cao.

Bạn sẽ gặp phải nhiều thách thức khi theo học Hệ thống thông tin
Bạn sẽ gặp phải nhiều thách thức khi theo học Hệ thống thông tin

Kiến thức thay đổi mỗi ngày

Vì liên quan đến công nghệ, Hệ thống thông tin phát triển liên tục và có vốn kiến thức thay đổi hàng ngày. Do đó, ngành này đòi hỏi người học phải chủ động cập nhật thông tin mỗi ngày, theo dõi và tự học các kiến thức mới để không bị bỏ lại bởi thị trường năng động, có tốc độ phát triển chóng mặt này.

Kết luận

Hiện nay, tất cả các doanh nghiệp đều có nhu cầu đối với nhân lực ngành này nên cơ hội việc làm luôn rộng mở. Tuy nhiên, ngành này chỉ phù hợp với những người suy nghĩ logic tốt và có tư duy sáng tạo. Mong rằng bài viết trên đã giúp bạn trả lời câu hỏi “Hệ thống thông tin là ngành gì” để có thể chọn ngành đại học phù hợp với bản thân.

Phương Hạ Nguyễn
Thông tin tuyển sinh và hướng nghiệp: Navigates
Logo