Ngành Kinh doanh thương mại là một trong những ngành được đánh giá cao về tiềm năng phát triển hiện nay. Đây được xem là mảnh đất màu mỡ cho các bạn đam mê khối ngành kinh tế, thích trải nghiệm kinh doanh trực tiếp với khách hàng. Vậy ngành học này là gì và đâu là những lý do bạn nên thử sức với ngành này? Hãy cùng Navigates tìm kiếm câu trả lời trong nội dung bên dưới.
Ngành Kinh doanh thương mại là gì?
Kinh doanh thương mại là ngành học liên quan đến hoạt động thương mại, buôn bán, được đánh giá là một trong các ngành quan trọng bậc nhất nền kinh tế hiện nay.
Đây cũng là một ngành chuyên đào tạo các kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm về hoạt động thương mại của tổ chức doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Với mục tiêu xây dựng mô hình bán hàng bền vững, ngành này sẽ trang bị đầy đủ các kiến thức về lĩnh vực thương mại như: bán hàng, quản lý xuất – nhập kho, bán lẻ, lập chiến lược phát triển kinh doanh,… Đồng thời, sinh viên sẽ được học thêm về các nghiệp vụ và kỹ năng như bán hàng, phân tích và đánh giá tình hình tài chính, lập kế hoạch marketing,…

Học Kinh doanh thương mại đào tạo những gì?
Kinh doanh thương mại có 4 chuyên ngành khác nhau, đào tạo các kiến thức thực tế về hoạt động kinh tế, kinh doanh.
Kinh doanh thương mại có những chuyên ngành nào?
Một số chuyên ngành bạn có thể tham khảo như:
- Quản trị kinh doanh thương mại: Đào tạo sinh viên những kiến thức về quản lý tồn kho, nhập kho và quản lý kho, đảm bảo hàng hóa luôn ở trạng thái sẵn sàng cung cấp cho khách hàng, duy trì sự ổn định xoay vòng vốn.
- Thương mại điện tử: Trang bị các kiến thức như bán hàng, thanh toán, tài chính, vận tải, xuất nhập khẩu, bảo hiểm,… hoặc chuyên sâu về thương mại điện tử như thiết kế, xây dựng và quản trị các dịch vụ thương mại số,… Phù hợp với các bạn ưa thích kinh doanh, đặc biệt là hình thức kinh doanh online trên nền tảng mạng xã hội hoặc sàn thương mại điện tử.
- Kinh doanh bán lẻ: Giúp sinh viên tìm hiểu thực tế về quản trị bán lẻ, nghiệp vụ bán hàng, nghiên cứu thị trường, lập kế hoạch kinh doanh,… Yêu cầu sinh viên có độ nhạy bén với thị trường, giỏi giao tiếp và đam mê kinh doanh.
- Kinh doanh quốc tế: Sinh viên sẽ được đào tạo và tìm hiểu về các hoạt động kinh doanh ở thị trường quốc tế. Cụ thể, chương trình sẽ được thiết kế để người học làm quen với các khái niệm và quy trình của các hoạt động marketing, thương mại, tài chính trên phạm vi quốc tế,… Phù hợp với những bạn giỏi ngoại ngữ, nguyện vọng làm việc ở nước ngoài.

Navigates nhận định rằng mỗi chuyên ngành sẽ mang lại cơ hội nghề nghiệp khác nhau. Do đó, hãy tìm hiểu thật kỹ, căn cứ vào nguyện vọng và năng khiếu để đưa ra lựa chọn!
Ngành kinh doanh thương mại đào tạo kiến thức, kỹ năng gì?
- Các môn học: bao gồm các môn kiến thức tổng quan về nền kinh tế như Kinh tế vi mô, Kinh tế vĩ mô, Quản trị học, Quản trị tài chính, Nghiệp vụ ngoại thương,… Ngoài ra, sinh viên sẽ được tiếp cận các kiến thức về luật và quy định của các hoạt động kinh doanh thương mại,…
- Các kiến thức thực tế về hoạt động kinh doanh: Bán hàng, nghiên cứu thị trường, PR, marketing,… thông qua các nghiệp vụ, dự án do trường tổ chức.
- Kỹ năng mềm: Khả năng phân tích, sàng lọc thông tin và đưa ra phương án giải quyết cho các vấn đề thực tiễn về vấn đề thương mại của doanh nghiệp, kỹ năng vận hành và kiểm soát tốt các dự án thương mại,…
Chúng tôi đánh giá ngành này đòi hỏi các kỹ năng và sự hiểu biết sâu sắc về kiến thức chuyên môn và lĩnh vực kinh doanh. Do đó, ngoài chương trình học lý thuyết ở trường, người học cần sự chủ động tìm tòi, trải nghiệm thêm ở các doanh nghiệp để có được cái nhìn chính xác và hiểu hơn về ngành.

Học Kinh doanh thương mại ra trường làm gì và thu nhập là bao nhiêu?
Các bạn sinh viên học Kinh doanh thương mại ra trường có thể làm những công việc liên quan đến kinh doanh, buôn bán với mức lương khởi điểm khoảng 8 triệu đồng/tháng.

- Quản lý bán hàng: Đây là vị trí mà bạn sẽ phụ trách quản lý các cửa hàng hoặc chuỗi các cửa hàng của hệ thống bán lẻ, các hoạt động kinh doanh của công ty.
- Nhân viên kinh doanh: Lên ý tưởng và thực hiện các kế hoạch, chiến lược kinh doanh của công ty, đảm bảo các hoạt động này diễn ra trơn tru. Nhân viên kinh doanh sẽ cần phải nâng cao doanh số công ty, làm việc trực tiếp và chăm sóc các khách hàng của công ty.
- Nhân viên quản lý kho hàng: Quản lý, thống kê và theo dõi tình trạng của sản phẩm như chất lượng, số lượng,… trong các kho hàng. Vị trí công việc này chịu trách nhiệm xuất, nhập hàng về kho để luôn đảm bảo cho nhu cầu của khách hàng.
- Nhân viên xuất nhập khẩu: Làm các công việc liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu của công ty bao gồm hợp đồng, thủ tục hải quan, kiểm soát và giao nhận hàng hóa.
- Chuyên viên sự kiện: Đây sẽ là những người chuyên phụ trách các sự kiện liên quan đến thương mại, tạo sân chơi để các doanh nghiệp, tổ chức hợp tác, giao thương.
- Chuyên viên marketing, PR: Khi làm ở vị trí này, bạn sẽ chịu trách nhiệm xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho doanh nghiệp.
Tùy theo kinh nghiệm và kỹ năng chuyên môn, mỗi vị trí có tính chất và mức lương khác nhau. Sinh viên mới tốt nghiệp sẽ nhận mức lương cơ bản sẽ từ 6-9 triệu đồng/tháng, nếu có kỹ năng tốt, có khả năng lãnh đạo thì mức lương có thể lên tới 10-25 triệu đồng/tháng.
Theo chúng tôi nhận định, với sự phát triển và xu hướng kinh tế mở hiện nay, thị trường việc làm của ngành học này đang ngày càng mở rộng. Mức lương của ngành cũng ngày càng được nâng cao.
Ngành Kinh doanh thương mại phù hợp với ai?
Ngành này phù hợp với những bạn đam mê kinh doanh, chịu được áp lực, tự tin và có thể ứng xử linh hoạt.

- Yêu thích kinh doanh, chịu được áp lực cao: Khi trải nghiệm các vị trí liên quan đến kinh doanh, bạn thường phải đối mặt với các áp lực về doanh số và quan hệ với đối tác. Do đó, khả năng chịu áp lực tốt sẽ giúp bạn có thể theo đuổi và phát triển ở lĩnh vực này.
- Kỹ năng đàm phán, giao tiếp tốt, ứng xử linh hoạt: Một trong những tố chất mà người làm kinh doanh cần có là biết ứng xử khéo léo. Việc xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp với đối tác, khách hàng, nhà cung ứng sẽ góp phần giúp doanh nghiệp của bạn phát triển hơn.
- Luôn luôn tự tin, năng động và sáng tạo: Kinh doanh là một ngành luôn có sự thay đổi theo từng ngày. Do đó, người làm trong ngành cần nhạy bén, chủ động thay đổi, thích nghi và sáng tạo để tìm ra những hướng đi mới.
Học Kinh doanh thương mại ở đâu?
Bạn có thể học Kinh doanh thương mại tại các trường đại học về kinh tế trên cả nước và thi tuyển bằng các khối A, D.
Ngành Kinh doanh thương mại thi khối nào?
Theo đánh giá của chúng tôi, để có thể thi tuyển và học tốt ngành này, bạn có thể tập trung ôn luyện hai môn Toán và tiếng Anh. Đây không chỉ là hai môn cơ bản mà các khối thi vào ngành này có, mà còn là nền tảng để bạn học tốt chuyên ngành trong các trường đại học.
Top những trường đào tạo Kinh doanh thương mại tốt nhất hiện nay
Tham khảo điểm chuẩn Đại học Kinh tế Đà Nẵng và một số trường học Kinh doanh thương mại dưới đây:
STT | Trường | Điểm chuẩn |
1 | Đại học Kinh tế Quốc dân | 27.7 |
2 | Đại học Kinh tế TP.HCM | 26.9 |
3 | Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng | 25 |
4 | Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM | 19 |
5 | Đại học Nha Trang | 19 |
Theo chúng tôi đánh giá, các trường top tuyển sinh ngành này với mức điểm khá cao, bạn có thể ưu tiên chọn các trường top như Kinh tế Quốc dân hay Kinh tế TP.HCM để trải nghiệm môi trường học tập có chất lượng tốt.
Ngoài ra, các trường kinh tế hệ dân lập cũng có đào tạo ngành này với chất lượng đào tạo khá ổn và có điểm chuẩn thấp hơn so với các trường công lập. Các thí sinh có thể cân nhắc thêm về điều kiện tài chính, học lực để chọn trường đại học mục tiêu từ sớm nhằm tăng cơ hội vào được ngành.

Những hiểu lầm về Kinh doanh thương mại là gì?
Những hiểu lầm về ngành này là việc nhẹ, lương cao và dễ thất nghiệp.
- Việc nhẹ, lương cao: Là một ngành khá hot, Kinh doanh thương mại có thể mang đến nhiều việc làm với thu nhập khủng. Tuy vậy, tiêu chuẩn tuyển chọn ngành này rất gay gắt, nhân sự cũng dễ bị đào thải. Người theo ngành cần phải thành thục các kỹ năng, có nhiều kinh nghiệm mới có được mức lương tốt, không hề có chuyện “việc nhẹ lương cao”.
- Môi trường không ổn định, dễ thất nghiệp: Có rất nhiều việc làm trong lĩnh vực kinh doanh cho những cử nhân. Các bạn hoàn toàn đủ điều kiện để làm tại các công ty về logistics, xuất nhập khẩu, kinh doanh dịch vụ, thương mại trong và ngoài nước,… ở đa dạng vị trí, miễn là có đủ các kỹ năng cần thiết.
Những thách thức khi theo học Kinh doanh thương mại
Những khó khăn, thách thức của ngành chủ yếu nằm ở vấn đề kiến thức và định hướng công việc.
- Phải tự trau dồi bản thân mọi lúc mọi nơi: Các kỹ năng mềm chính là cơ hội để bạn tiến tới những công việc tốt hơn. Những kiến thức về thương mại cũng thay đổi liên tục. Vì vậy, bạn sẽ phải liên tục tự học và trang bị thêm những kỹ năng cần thiết.

- Kiến thức nhiều và rộng: Khi theo học, bạn sẽ được cung cấp các kiến thức về quản trị; các kỹ năng phân tích tài chính; luật kinh tế;… Nhìn chung, lượng kiến thức của các ngành này khá rộng, bao quát nhiều lĩnh vực khác nhau, lại thường xuyên đổi mới, do đó, nhiều bạn có thể sẽ “sốc” bởi lượng kiến thức chuyên ngành cần tiếp nhận.
- Khó định hướng nghề nghiệp tương lai: Ngành học này còn có chương trình học khá rộng, không tập trung chuyên sâu vào một lĩnh vực hay ngành nghề cụ thể, khiến nhiều bạn khó định hướng được nghề nghiệp tương lai. Vì vậy, sinh viên theo ngành phải có mục tiêu từ đầu để tránh mất phương hướng sau này.
Kết luận
Trên đây là những thông tin cơ bản về Kinh doanh thương mại, giải đáp cho câu hỏi Kinh doanh thương mại là ngành gì và những điều cần biết khi học ngành này. Nhìn chung, đây là ngành học yêu cầu cao về sự năng động.
Chính vì vậy, chúng tôi nhận định ngành này khá phù hợp cho các bạn có khả năng giao tiếp tốt, thích kinh doanh hay sáng tạo ra những chiến lược kinh doanh thú vị. Hy vọng qua bài viết, các bạn đã hiểu thêm về ngành này để có định hướng phù hợp cho tương lai.