Trong đời sống xã hội, ngôn ngữ giữ vai trò quan trọng hàng đầu, ngôn ngữ không chỉ dùng để giao tiếp nó còn mang nhiệm vụ ghi chép lại lịch sử, văn hóa của loài người. Từ xa xưa, vấn đề ngôn ngữ đã được nghiên cứu và ứng dụng, phát triển. Có thể nói, mọi ngành nghề đều cần dùng đến ngôn ngữ. Vậy ngành Ngôn ngữ học là gì? Ra trường làm gì? Bài viết dưới đây của Navigates sẽ giải đáp thắc mắc cho bạn.
Ngành Ngôn ngữ học là gì?

Đây là ngành học đào tạo chuyên sâu về ngôn ngữ nói chung. Học ngành này, bạn sẽ được hiểu chi tiết về lịch sử, ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng, ngữ nghĩa, cách ngôn ngữ ảnh hưởng tới đời sống xã hội. Tóm lại, ngành này giảng dạy mọi khía cạnh liên quan đến ngôn ngữ.
Bất cứ ngành nghề nào cũng cần đến những nhân sự sử dụng thông thạo ngôn ngữ. Do đó, bạn không cần lo lắng về việc làm khi theo học ngành này.
Học Ngôn ngữ học đào tạo những gì?
Ngôn ngữ học có những chuyên ngành gì?
Tại đây bạn sẽ được định hướng chọn 1 trong 3 hướng chuyên ngành.

- Hướng chuyên ngành Ngôn ngữ: Đào tạo chuyên sâu về ngôn ngữ, các ứng dụng ngôn ngữ trong giảng dạy, xuất bản (sách, từ điển, sách giáo khoa,…), phù hợp với các bạn muốn theo nghề viết, truyền thông hoặc nghiên cứu.
- Hướng chuyên ngành Việt ngữ học cho người nước ngoài: Đào tạo ra nhân lực dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, phù hợp với các bạn muốn theo nghiệp sư phạm hoặc làm các công việc phải tiếp xúc với người nước ngoài, muốn sống trong một môi trường đa ngôn ngữ để trau dồi ngoại ngữ.
- Tiếng Trung Quốc: Đây là chuyên ngành chỉ có tại Đại học Khánh Hòa, đào tạo ra các nhân sự có thể nghiên cứu, sử dụng thành thạo ngôn ngữ Trung, phù hợp với các bạn yêu thích văn hóa Trung Quốc.
Theo chúng tôi đánh giá, các chuyên ngành đều đem lại những hướng công việc cụ thể và nhiều cơ hội việc làm như nhau. Khi vào ngành, các bạn nên dựa vào mong muốn và năng lực của bản thân để chọn chuyên ngành cho phù hợp.
Ngôn ngữ học đào tạo kiến thức, kỹ năng gì?

Mỗi ngành học sẽ được đào tạo các kỹ năng riêng biệt mà chỉ ngành đó mới có. Đối với ngành này, bạn sẽ được cung cấp các kiến thức đại cương, kiến thức chuyên ngành, các kỹ năng nghề nghiệp cơ bản, kỹ năng bổ trợ, rèn luyện khả năng nghiên cứu và sử dụng ngôn ngữ.
- Kiến thức đại cương Xã hội và Nhân văn: Ở học phần này bạn chủ yếu học về các lý luận chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội trong và ngoài nước.
- Kiến thức về chuyên môn: Bạn sẽ được học các kiến thức cơ bản như Âm vị học, Ngôn ngữ dân tộc thiểu số, Lịch sử ngôn ngữ để có thể nền tảng lý thuyết nhằm nghiên cứu chuyên sâu về ngôn ngữ, văn hóa.
- Các kĩ năng nghề nghiệp và bổ trợ cơ bản: Ngành học này sẽ cung cấp các kĩ năng nghề nghiệp (kĩ năng phân tích và tổng hợp các vấn đề thuộc khoa học ngôn ngữ, kĩ năng trình bày văn bản,…) cùng các kĩ năng bổ trợ (giao tiếp, ngoại ngữ, tin học văn phòng,…) cần thiết cho việc nghiên cứu, làm nghề liên quan đến Ngôn ngữ học.
- Rèn luyện kĩ năng nghiên cứu: Mỗi sinh viên sẽ được rèn luyện kĩ năng này, bước đầu giúp các bạn tham gia các cuộc thi nghiên cứu sinh viên và xa hơn nữa là rèn luyện khả năng nghiên cứu ngôn ngữ trong công việc.
Theo chúng tôi đánh giá, các kĩ năng, kiến thức trên chủ yếu là phục vụ cho công việc nghiên cứu. Tuy vậy, chúng đều hữu dụng, mỗi kĩ năng đều sẽ giúp ích cho công việc sau này dù bạn có làm đúng hay trái chuyên ngành học.
Học Ngôn ngữ học ra làm gì? Mức thu nhập bao nhiêu?

- Biên dịch và phiên dịch viên:
- Biên dịch viên: Chuyên đi dịch văn bản ngôn ngữ nước ngoài về tiếng bản địa. Mức thu nhập khoảng 9-15 triệu đồng/tháng và có thể cao hơn.
- Phiên dịch viên: Chuyên đi dịch ngôn ngữ nước ngoài về tiếng bản địa trực tiếp bằng lời nói. Lương cơ bản có thể lên tới trên 10 triệu/tháng.
- Truyền thông: Bạn có thể sử dụng ngôn ngữ trong các nghề như biên tập viên, xuất bản, viết sách tại các tòa soạn hay đài phát thanh, truyền hình. Tùy thuộc vào trình độ và kỹ năng, bạn có thể nhận từ 8-20 triệu đồng/tháng.
- Người viết nội dung (content): Chuyên sáng tạo nội dung, thông điệp hay ý nghĩa truyền tải tới công chúng. Công việc này đang được rất nhiều người theo đuổi, đặc biệt là các bạn trẻ bởi nó không gò bó, thời gian linh hoạt. Thu nhập công việc này từ 7-20 triệu/tháng.
- Giảng dạy: Bạn có thể dạy Văn học tại các trường cấp 2, cấp 3; dạy tiếng Việt cho các bạn nhỏ tiểu học. Ngoài ra, bạn cũng có thể dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Thu nhập cho giáo viên, giảng viên có thể lên tới trên 10 triệu/tháng.
- Quản lý nhà nước: Làm công tác quản lý, hành chính tại các viện, cơ quan về văn hóa xã hội, ngôn ngữ dân tộc. Mức lương khoảng 5-9 triệu/tháng.
- Nhà trị liệu ngôn ngữ: Ở nước ngoài đây là một ngành đang cực kỳ hot, tuy nhiên, lại chưa được nhiều người biết đến tại Việt Nam. Nhà trị liệu chuyên chẩn đoán, đánh giá, tư vấn về người có chứng rối loạn ngôn ngữ, trẻ chậm nói hoặc do chấn thương sau tai nạn, đột quỵ,…
Ngoài ra, sinh viên ra trường có thể làm nhiều ngành nghề khác như: du lịch, khách sạn, MC,… Tất nhiên, bạn sẽ phải rèn luyện thêm những kĩ năng liên quan theo yêu cầu của công việc. Chúng tôi đánh giá rằng có rất nhiều cơ hội việc làm trong ngành này, tuy vậy, bạn sẽ cần rèn luyện thêm nhiều kĩ năng nghề nghiệp mới có thể tìm được công việc như ý.
Ngành Ngôn ngữ học phù hợp với ai?

- Chăm chỉ, say mê nghiên cứu và tìm tòi: Đây là ngành nặng về nghiên cứu, do đó, bạn cần say mê việc nghiên cứu mới có thể theo ngành.
- Có khả năng phân tích và tổng hợp thông tin: Với lượng lớn kiến thức trong ngành, việc chọn lọc thông tin chính, cốt yếu và tổng hợp lại cũng rất cần thiết.
- Có tính kiên trì: Đây là ngành khó, chắc chắn sẽ có lúc bạn chán nản, khó hiểu và phải thực sự kiên trì để vượt qua.
- Có năng khiếu sử dụng ngôn ngữ: Vì ngôn ngữ là đối tượng nghiên cứu chính của ngành này, những bạn có năng khiếu về ngôn ngữ sẽ có nhiều lợi thế khi theo ngành.
Học Ngôn ngữ học ở đâu?
Ngành Ngôn Ngữ học thi khối gì?
Để vào được ngành này các bạn học sinh có thể chọn xét tuyển một trong các phương thức sau:
- Xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT Quốc Gia, Ngôn ngữ học có thể thi các khối C00, D01, D04 và một số khối liên quan. Điểm khối C00 cao hơn hẳn các khối khác, thí sinh nên cân nhắc khi lựa chọn khối này.
- Xét theo phương thức tuyển khác như học sinh có chứng chỉ tiếng nước ngoài, là học sinh giỏi cấp Quốc gia hoặc tuyển thẳng. Ngoài ra, một số trường xét tuyển bằng hình thức kết quả thi đánh giá năng lực.
Chúng tôi đánh giá ngành có đa dạng hình thức xét tuyển. Để tăng cơ hội trúng tuyển vào ngành, các bạn thí sinh nên tập trung ôn các môn xã hội, Ngữ văn và tiếng Anh (hoặc tiếng Trung).
Top trường đào tạo Ngôn Ngữ học tốt nhất

Hiện nay, chỉ có duy nhất 3 trường đào tạo Ngôn ngữ học:
Tên trường | Điểm chuẩn (2022) |
Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội | 24,5-28 |
Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh | 24,35-25,5 |
Đại học Khánh Hòa | 15 |
Theo chúng tôi nhận định, ngành này có mức điểm chuẩn tương đối cao. Xét về độ uy tín, chúng tôi khuyên bạn nên chọn hai trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội hoặc Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh.
Riêng với Đại học Khánh Hòa, trường chỉ đào tạo Ngôn ngữ học chuyên ngành Tiếng Trung Quốc, nếu đam mê tiếng Trung và văn hóa Trung Quốc, các bạn nên lựa chọn trường này.
Những lầm tưởng về Ngôn ngữ học

- Ngôn ngữ học đào tạo ngoại ngữ: Đây là lầm tưởng của rất nhiều bạn học sinh. Thực chất, ngành này đào tạo về nghiên cứu ngôn ngữ, chứ không đào tạo chuyên về ngoại ngữ (ngoại trừ Đại học Khánh Hòa đào tạo tiếng Trung).
- Ra trường chỉ có làm nghiên cứu: Thực chất, có rất nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên. Ngoài nghiên cứu, các bạn có thể làm bất cứ công việc nào liên quan đến ngôn ngữ như truyền thông, viết lách, giảng dạy,…
Những thách thức khi theo học Ngôn ngữ học

- Định kiến xã hội: Ngành có từ lâu đời, nhưng chưa thực sự phổ biến sâu rộng, nhiều người sẽ không hiểu Ngôn ngữ học là ngành gì, học xong ra trường sẽ thất nghiệp. Thực tế, ngành này có vai trò rất quan trọng và hứa hẹn nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên ra trường.
- Kiến thức khó, hàn lâm: Kiến thức của ngành này rất khó, nặng tính lý thuyết, thiên về nghiên cứu khoa học. Vì thế, không phải ai cũng theo đuổi ngành học.
- Ngành quá rộng: Vì là ngành thiên về khoa học, định hướng của ngành này rất rộng và chung chung. Ngành cũng không chuyên đào tạo về nghề nghiệp cụ thể. Các bạn sinh viên ra trường bắt buộc phải học thêm kĩ năng nghề nghiệp mới có thể làm việc.
Kết luận
Đây là một ngành rất tiềm năng với cơ hội việc làm đa dạng, phù hợp với những bạn trẻ ham học hỏi và nghiên cứu, đam mê tìm hiểu ngôn ngữ, có năng khiếu sử dụng ngôn ngữ. Qua bài viết trên, hy vọng bạn đọc đã biết Ngôn ngữ học là ngành gì và hiểu được phần nào về ngành này để có hướng đi phù hợp trong tương lai.