Khi đứng trước tờ đơn đăng ký nguyện vọng sẽ có rất nhiều câu hỏi về ngành nghề được đặt ra. Ngành Truyền thông đa phương tiện là gì cũng là một trong những câu hỏi nhận được rất nhiều sự quan tâm của các bạn trẻ chuẩn bị thi đại học. Cùng Navigates tìm hiểu ngay chi tiết ngành học thú vị này và những vấn đề liên quan trong bài viết dưới.
Ngành Truyền thông đa phương tiện là gì?
Đây là ngành học dạy cách sử dụng công nghệ thông tin để sáng tạo ra những sản phẩm mỹ thuật, thiết kế những ấn phẩm mỹ thuật để ứng dụng vào truyền thông và nhiều ngành nghề khác.
Nói đơn giản, đây là ngành chuyên về thực hiện các sản phẩm truyền thông trên máy tính như thiết kế đồ họa, trò chơi điện tử, làm hoạt hình 3D, thiết kế web, làm phim,…
Hầu như các sản phẩm truyền thông (quảng cáo, truyền hình, internet,…) và giải trí hiện đại (game, điện ảnh, hoạt hình,…) bạn sử dụng ngày nay đều là sản phẩm của mỹ thuật đa phương tiện.

Học Truyền thông đa phương tiện sẽ có chương trình đào tạo ra sao?
Các chuyên ngành trong Truyền thông đa phương tiện là gì?

Tùy theo chuyên ngành lựa chọn mà chương trình học sẽ được thiết kế cho phù hợp.
- Nhóm chuyên ngành Báo chí đa phương tiện: Khi theo học chuyên ngành này, sinh viên sẽ được làm quen với các quy trình sáng tạo bài viết trên báo giấy, báo điện tử, truyền hình. Sinh viên chọn chuyên ngành này thường năng động, nhiệt tình và nhạy bén trước sự phát triển của xã hội.
- Nhóm chuyên ngành Mỹ thuật đa phương tiện: Với chuyên ngành này, sinh viên sẽ được đào tạo khả năng thiết kế thông qua các công cụ chuyên nghiệp như: Illustrator, Photoshop, Premiere, InDesign,… cùng những phần mềm đồ họa, thiết kế và dựng phim chuyên nghiệp khác. Sinh viên theo chuyên ngành này cần có khả năng sáng tạo và thẩm mỹ nhất định.
Tùy thuộc vào từng chuyên ngành, người học sẽ có cơ hội phát triển nghề nghiệp theo nhiều hướng nhất định. Do đó, việc tìm hiểu kĩ về nhu cầu và sở thích của bản thân rất quan trọng để lựa chọn được chuyên ngành phù hợp nhất.
Các kỹ năng chính sẽ được đào tạo

Bên cạnh ngoại ngữ, các kiến thức đại cương, một số kỹ năng mà bạn học được qua chương trình đào tạo tại các trường đại học là:
- Kỹ năng báo chí và truyền thông: Mỗi sinh viên cần có khả năng viết và truyền tải thông tin tốt để đáp ứng được mục tiêu cuối cùng là truyền thông.
- Kỹ năng sử dụng các công cụ thiết kế: Hầu hết mọi sinh viên đều có nền tảng và biết sử dụng các công cụ như Photoshop, Premier,… để phục vụ cho việc khai thác và sản xuất nội dung.
- Kỹ năng xử lý hình ảnh, chụp, quay và dựng phim: Đây chính là cần câu cơm quan trọng khi làm việc trong lĩnh vực này. Các kĩ năng này đóng vai trò quan trọng giúp nâng cao chất lượng bài viết.
- Kỹ năng biên tập thông tin và sáng tạo nội dung: Đây là kỹ năng mọi nhân viên trong lĩnh vực này cần có để đáp ứng yêu cầu công việc. Biên tập tốt và sáng tạo hiệu quả sẽ giúp hiệu quả truyền thông tốt hơn.
- Kỹ năng dựng phim và thiết kế kỹ xảo điện ảnh: Nếu bạn làm việc trong lĩnh vực truyền hình, hậu kỳ phim thì đây chính là kỹ năng cơ bản để bắt đầu hành trình nghề nghiệp của mình.
Ngoài ra, sinh viên theo học ngành này sẽ được rèn luyện sự nhạy bén, trước các xu hướng và sự thay đổi của thẩm mỹ, sáng tạo, công nghệ trong truyền thông. Với sự phát triển của công nghệ, mọi ngành nghề đều yêu cầu cập nhật kiến thức mỗi ngày để không bị bỏ lại phía sau.
Học Truyền thông đa phương tiện khi ra trường sẽ làm công việc gì và thu nhập là bao nhiêu?
Công việc của ngành này rất đa dạng, cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp rất rộng mở và mức thu nhập trung bình cũng được nhiều người đánh giá cao.
Những công việc cử nhân của ngành

Đây là một ngành luôn luôn có chỗ đứng vững chắc trên thị trường việc làm, bởi hầu hết doanh nghiệp và tổ chức đều phải làm truyền thông. Một số vị trí nghề nghiệp mà sinh viên tốt nghiệp có thể làm:
- Chuyên viên marketing: Cử nhân có thể làm rất nhiều vị trí về marketing như E-Commerce Marketing, Digital Marketing,…
- Nhân viên content marketing: Người làm content có thể sáng tạo content truyền thông trên các trang mạng xã hội, các website, các ấn phẩm truyền thông cả về chữ viết và hình ảnh, video,…
- Làm việc tại nhà xuất bản: Đảm nhiệm các vị trí phổ biến như biên tập viên, thiết kế, in ấn, chế bản.
- Biên tập nội dung báo chí: Tạo bài viết cho các ấn phẩm, báo chí,… có thể làm việc tại các cơ quan báo chí, trang tin điện tử hoặc tại các nhà xuất bản.
- Biên tập viên các chương trình truyền hình: Chịu trách nhiệm xử lý hình ảnh, âm thanh, quay và dựng, thường làm việc tại các hãng phim hoặc production house.
- Nhân viên thiết kế: Bạn có thể là người tạo ra các ấn phẩm dưới dạng hình ảnh, video, được sử dụng trong các hoạt động truyền thông và quảng cáo như: ảnh, banner, TVCs quảng cáo, kỹ xảo phim, đồ họa,…
- Content creator freelancer: Trở thành nhà sáng tạo content trên các nền tảng số dưới dạng fanpage, group, video,… và có thể trở thành KOL, KOC, Blogger.
- Chuyên gia tư vấn: Nếu là người có chuyên môn cao, bạn hoàn toàn có thể trở thành người tư vấn chiến lược truyền thông, quảng cáo cho các cơ quan đơn vị như tư vấn và nâng cao nhận dạng thương hiệu doanh nghiệp.
- Giảng dạy: Ngoài những việc làm trực tiếp tại các cơ quan, doanh nghiệp thì bạn cũng hoàn toàn có thể trở thành người dạy học về ngành này nếu yêu thích sư phạm.
Theo chúng tôi nhận định, khi tốt nghiệp ngành này bạn sẽ có nền tảng để tham gia vào nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, mỗi vị trí đều có những đặc điểm riêng, yêu cầu kỹ năng riêng mà bạn cần phải trau dồi thông qua các môn chuyên ngành và quá trình tự học hỏi.
Thu nhập của người học Truyền thông đa phương tiện
Như đã kể trên, cơ hội việc làm của ngành này là cực nhiều, đồng thời cũng đa dạng vị trí và việc làm cụ thể. Do đó mà mức lương sẽ phụ thuộc và nhiều yếu tố, tuy nhiên, hầu hết sinh viên tốt nghiệp ngành này sẽ có thu nhập từ 10-30 triệu/ tháng.
Những cử nhân mới ra trường và người ít kinh nghiệm có thể tìm được vị trívới lương từ 7-10 triệu đồng/ tháng. Khi có kinh nghiệm từ 1-3 năm, mức lương sẽ đạt khoảng 10-15 triệu đồng/ tháng và lên tới 30 triệu đồng/ tháng cho người có kinh nghiệm từ 3 năm trở lên.
Các con số này có thể thay đổi tùy theo kinh nghiệm thực tế, giá trị mang lại cho công ty, quy mô công ty, doanh nghiệp và đặc biệt là khả năng của bạn sẽ tác động trực tiếp đến lương. Nhìn chung, chúng tôi đánh giá mức lương của ngành này khá tốt, có thể tăng cao trong tương lai.
Những ai phù hợp với ngành này

Ngành này không dành cho tất cả mọi người, bên cạnh năng khiếu cần có sự cập nhật liên tục về kiến thức và kỹ năng.
- Có khiếu thẩm mỹ: Đây là một trong những tố chất giúp bạn phát triển trong ngành, đặc biệt là mảng mỹ thuật đa phương tiện.
- Khả năng xử lý thông tin nhanh chóng: Sự nhạy bén là yêu cầu cơ bản đối với người làm trong ngành, kỹ năng này giúp bạn khai thác, sáng tạo và truyền tải thông tin đến người nhận tốt hơn.
- Khả năng tự học tốt: Ngành truyền thông nói chung thay đổi mỗi ngày với sự phát triển liên tục của công nghệ. Nếu không có khả năng tự học, cập nhật xu hướng, bạn sẽ khó lòng trụ nổi với ngành.
- Nhạy bén với công nghệ: Ngành này đòi hỏi khả năng học và làm quen nhanh chóng với các công cụ, phần mềm, công nghệ thiết kế, xử lý âm thanh, hình ảnh.
Nên học Truyền thông đa phương tiện ở đâu?

Để đảm có thể hiểu sâu và theo đuổi học ngành này lâu dài, học sinh nên lựa chọn cơ sở đào tạo uy tín.
Top những trường đào tạo về ngành Truyền thông đa phương tiện tốt nhất
STT | Tên trường | Điểm chuẩn 2022 |
1 | Đại học Hà Nội | 26 |
2 | Học viện Báo chí và Tuyên truyền | 26.75-29.25 |
3 | Đại học Thăng Long | 26.8 |
4 | Học viện Phụ nữ Việt Nam | 24 |
5 | Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP HCM | 27.15-27.55 |
Nhìn chung, trong những năm gần đây thì mức điểm xét tuyển của ngành này là khá cao.
Theo chúng tôi đánh giá, Đại học Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Thăng Long là ba trường đào tạo ngành này tốt nhất. Với thí sinh học lực nằm ở mức trung bình, khá, các bạn có thể tham khảo thêm các trường khác như Cao đẳng Truyền hình Việt Nam và Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội.
Học Truyền thông đa phương tiện thi khối nào?
Mã ngành của Truyền thông đa phương tiện hiện nay là 7320104. Để học ngành này, thí sinh có thể thi và sử dụng kết quả thi tuyển của các khối thi sau A00, A01, A10, C00, C01, C15, D01, D14, D15, D78, một số khối năng khiếu như R, V và H,…
Theo chúng tôi đánh giá, ngành này tuyển sinh ở nhiều khối, học sinh có thể thoải mái lựa chọn khối thi phù hợp với khả năng.

Những hiểu lầm về ngành Truyền thông đa phương tiện
Có khá nhiều hiểu lầm về ngành học này. Cụ thể như:
- Phải giỏi văn mới học được : Nhiều người cho rằng theo ngành này cần phải có tâm hồn thơ văn dào dạt, hay phải giao tiếp tốt với tất cả mọi người thì mới học được. Trên thực tế, truyền thông không chỉ là nói và viết, còn có nhiều mảng khác như phân tích, đề xuất các chiến lược truyền thông.
- Truyền thông đa phương tiện không cần thiết kế: Thực chất, hai lĩnh vực này có mối liên hệ chặt chẽ. Thiết kế và xử lý hình ảnh, đồ họa, kỹ xảo, thậm chí thiết kế website,… là những kỹ năng không thể thiếu mà ngành này yêu cầu.
- Phải học ở nước ngoài mới giỏi: Ngành truyền thông của Việt Nam sinh sau đẻ muộn, nhưng bạn có thể trở nên xuất sắc ở bất cứ đâu nếu có năng lực và nỗ lực. Đồng thời, việc học truyền thông trong nước cũng giúp bạn có kiến thức văn hóa, xã hội để hiểu hơn về khách hàng Việt.

Những thách thức khi học
Đây là một ngành học thú vị nhưng cũng có những thách thức như cạnh tranh cao, sự thay đổi liên tục đòi hỏi người học phải nhạy bén.
- Cạnh tranh cao: Hiện nay, rất nhiều bạn trẻ yêu thích ngành này bởi sự thú vị, năng động và mức thu nhập của nó. Điều đó đồng nghĩa với việc bạn phải cạnh tranh với rất nhiều đối thủ.
- Đào thải nhanh: Đây là một ngành đòi hỏi nhiều cả về kiến thức, sự nhạy bén và sức khỏe. Do đó mà người học phải thực sự nhạy bén và chăm chỉ học tập những kỹ năng mới, tìm thêm những mối quan hệ mới, liên tục trải nghiệm và phân tích. Nếu dừng lại chỉ một thời gian ngắn, bạn sẽ bị bỏ lại rất xa

Kết luận
Chúng ta đã vừa cùng tìm hiểu về Truyền thông đa phương tiện là ngành gì và các vấn đề liên quan. Theo Navigates đánh giá, đây là một ngành rất tiềm năng và mang lại nhiều cơ hội việc làm. Nếu yêu thích thiết kế hình ảnh, sáng tạo nội dung, tìm kiếm các tin mới hay sản xuất các video, đoạn phim thú vị, đây có thể là ngành phù hợp với bạn. Hy vọng bạn đọc sớm tìm được hướng đi phù hợp với mong ước của bản thân, có sự chuẩn bị từ ngay bây giờ để tham gia vào thị trường sôi động này.