Là lĩnh vực chuyên nghiên cứu về các mối quan hệ và hành vi đối với xã hội của con người, Xã hội học đang được chú trọng trong thời gian gần đây và ngày càng thu hút sự quan tâm của nhiều bạn học sinh. Vậy ngành Xã hội học là gì? Sinh viên ngành này sẽ được học gì và cơ hội làm việc ra sao? Hãy xem ngay bài viết của Navigates để tìm hiểu thông tin về ngành.
Ngành Xã hội học là gì?
Xã hội học là ngành đào tạo được thiết kế để tập trung nghiên cứu về các mối quan hệ và thể chế cộng đồng trong xã hội của con người. Bên cạnh đó, ngành còn tập trung vào phân tích các cơ chế tác động và cách mà các quy luật xã hội được thể hiện thông qua hoạt động của các cá thể và nhóm xã hội,…

Đây là ngành đào tạo ra nguồn nhân lực nghiên cứu chuyên sâu, có hiểu biết sâu sắc về các vấn đề trong xã hội. Cử nhân Xã hội học sẽ có kỹ năng quan sát và phân tích các hiện tượng mang tính xã hội, hành vi của con người trong cộng đồng. Đồng thời, họ cũng sẽ được đào tạo và rèn luyện kỹ năng tư vấn nhằm hỗ trợ xây dựng các chính sách xã hội,… Từ đó, ngành có thể đáp ứng được các nhu cầu trong quá trình phát triển của xã hội.
Học Xã hội học đào tạo những gì?
Xã hội học có 3 chuyên ngành khác nhau, đào tạo cho sinh viên tất cả các kiến thức liên quan đến xã hội và con người.
Xã hội học có những chuyên ngành gì?
Thông thường, các trường đại học có thể chia Xã hội học thành ba chuyên ngành:
- Xã hội học về truyền thông và báo chí: Khi theo đuổi chuyên ngành này, học viên sẽ được làm quen và tìm hiểu một cách chuyên sâu về các loại hình báo chí và truyền thông bằng báo chí.
- Xã hội học về quản trị nhân sự tổ chức xã hội: Bạn sẽ được làm quen với các kỹ năng quản trị, tổ chức các hoạt động xã hội và nguyên tắc quản lý nhân sự trong doanh nghiệp khi học chuyên ngành này. Nếu yêu thích hoạt động quản lý, bạn có thể chọn chuyên ngành này.
- Công tác xã hội: Đào tạo ra nhân lực tham gia vào hoạt động, tổ chức an sinh xã hội. Phù hợp với những bạn có lòng trắc ẩn và khả năng thấu cảm, muốn trở thành nhà hoạt động xã hội.
Theo đánh giá của chúng tôi, các chuyên ngành đều đem đến nhiều cơ hội việc làm. Đặc biệt, chuyên ngành về truyền thông và báo chí đang đáp ứng tốt xu hướng phát triển của xã hội hiện nay.
Xã hội học đào tạo kiến thức, kỹ năng gì?

Sinh viên Xã hội học sẽ được đào tạo những kỹ năng như:
- Nghiên cứu, đánh giá và phân tích quy luật xã hội: Để có thể hiểu và đưa ra những chính sách xã hội phù hợp đối với cộng đồng địa phương, bạn cần phải có khả năng nghiên cứu chỉ số xã hội và phân tích, đưa ra những đánh giá chính xác.
- Kiến thức nền tảng xã hội: Bên cạnh những kỹ năng phân tích, kiến thức nền tảng về xã hội sẽ phụ trợ cho bạn hiểu rõ hơn về thể chế cộng đồng. Từ những nền tảng đó, bạn có thể xây dựng được phương pháp phân tích và tư vấn chính sách xã hội.
- Kỹ năng giao tiếp: Khi hoạt động trong lĩnh vực xã hội, bạn sẽ cần làm việc rất nhiều với con người, cơ quan, đoàn thể. Do đó, khả năng giao tiếp thuyết phục, trôi chảy và khéo léo sẽ giúp bạn công tác và phát triển tốt hơn.
Những kỹ năng kể trên đều không khó để trau dồi, tùy vào chương trình đào tạo của trường mà các bạn sinh viên sẽ được làm quen và rèn luyện các kỹ năng cần thiết trong quá trình học.
Học Xã hội học ra làm gì? Mức thu nhập bao nhiêu?
Sinh viên ra trường có thể làm các công việc liên quan đến truyền thông, cộng đồng với mức lương trung bình khá khoảng 7-12 triệu.
- Chuyên viên nghiên cứu, tư vấn xã hội: Thực hiện nghiên cứu về hành vi hoạt động và nhu cầu của con người. Từ đó vận dụng các kiến thức đã học để tham vấn các chính sách xã hội cho chính phủ, hoặc đưa ra nhận định nhu cầu thị trường hiện tại cho doanh nghiệp. Mức lương cơ bản dao động khoảng 12-15 triệu đồng.
- Chuyên viên dịch vụ cộng đồng, công tác xã hội: Vận dụng các kiến thức Xã hội học để làm các công việc liên quan đến chăm sóc và bảo vệ quyền con người trong xã hội. Mức lương cơ bản dao động khoảng 7-8 triệu đồng cho cử nhân mới ra trường và có thể được tăng lên theo các mức từ 15-20 triệu đồng theo mức kinh nghiệm.
- Chuyên viên truyền thông, quảng cáo: Để truyền tải các thông điệp một cách hiệu quả, người làm truyền thông cần có sự hiểu biết về hành vi và tâm lý của các nhóm đối tượng. Nhân sự ngành này chính có khả năng nghiên cứu và đưa ra những nhận định về những vấn đề này. Mức lương cơ bản dao động khoảng 7-15 triệu đồng.

Sau khi ra trường, sinh viên ra trường có thể đảm nhận nhiều công việc khác nhau với mức lương dao động ở mức trung bình so với thị trường. Thậm chí, cơ hội nghề nghiệp còn có khả năng mở rộng ra các nhóm ngành khác chứ không chỉ làm về xã hội. Tuy nhiên, để tránh mất định hướng trong quá trình học và tìm việc, bạn cần có định hướng cụ thể cho mình từ khi chọn theo học.
Ngành Xã hội học phù hợp với ai?
Ngành này phù hợp với những người hướng ngoại, có sự quan tâm đến xã hội, sự tò mò khám phá vào sâu bên trong hành vi con người và có khả năng nghiên cứu tốt.

- Sự tò mò và quan tâm đến xã hội: Để hiểu và lan tỏa những giá trị đến với cộng đồng xã hội, bạn cần quan tâm và hứng thú đối với hành vi của con người, sẵn sàng dành thời gian trải nghiệm thực tiễn trong các hoạt động.
- Khả năng phân tích và nghiên cứu chuyên sâu: Khi học ngành này, sinh viên cần dành rất nhiều thời gian cho việc quan sát, thống kê và thu thập dữ liệu về các hoạt động xã hội. Do đó, bạn cần yêu thích việc nghiên cứu, phân tích chuyên sâu để có thể thu thập và xử lý các dữ liệu.
- Khả năng thấu hiểu tâm lý và hành vi con người: Nếu muốn theo đuổi Xã hội học, bạn cần có sự nhạy bén trong nhận diện và phân tích cảm xúc, phản ứng và hành vi của con người. Đây chính là chìa khóa để bạn có căn cứ và đánh giá mức độ ảnh hưởng của xã hội đến các yếu tố tình cảm, thể chất và tinh thần của con người.
- Hướng ngoại, khả năng giao tiếp tốt: Sinh viên sẽ phải tiếp xúc rất nhiều với xã hội. Các bạn thường phải làm công tác phỏng vấn, điều tra, hoạt động xã hội để phục vụ cho việc học tập và hành nghề.
Học Xã hội học ở đâu?
Bạn có thể học Xã hội học tại các trường đại học về văn hóa, khoa học xã hội trên cả nước và thi tuyển bằng các khối xã hội.
Ngành Xã hội học thi khối gì?
Xã hội học có mã ngành là 7310301, Xã hội học có thể thi các khối R22, A01, C00, C01, C19, D01, D78 cùng một số khối liên quan. Nhìn chung, các trường hầu như đều tuyển sinh dựa trên khối thi xã hội, do đó, thí sinh nên tập trung ôn luyện các môn học Khoa học xã hội từ sớm.
Top trường đào tạo Xã hội học tốt nhất?

Tham khảo mức điểm chuẩn Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội ngành này và điểm chuẩn một số trường dưới đây
Trường | Điểm chuẩn ( 2022) |
Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN | 22-27.75 |
Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP.HCM | 23.8-25.3 |
Đại học Tôn Đức Thắng | 28.5 |
Học viện Báo chí và Tuyên truyền | 24.46-25.46 |
Đại học Cần Thơ | 25.75 |
Theo chúng tôi đánh giá qua nhiều năm, mức điểm cho ngành này luôn ở mức khá cao so với mặt bằng chung. Các thí sinh nên lựa chọn trường phù hợp với khả năng học tập để ôn luyện từ sớm nếu muốn vào ngành này.
Nếu có học lực tốt, các bạn nên chọn các trường top đầu như Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nếu không, các bạn cũng có thể tham khảo một số trường với điểm đầu vào thấp hơn như Học viện Phụ nữ, Đại học Khoa học Huế, Đại học Đà Lạt,…
Những lầm tưởng về Xã hội học
Ngành học có độ bao quát khá rộng so với nhiều ngành nghề khác, lại ít phổ biến, do đó, mọi người sẽ có nhiều lầm tưởng về thông tin của ngành.
Cơ hội việc làm rất ít
Nhiều người lầm tưởng rằng khi tốt nghiệp chỉ có thể làm công việc thiên về công tác, hoạt động xã hội. Tuy nhiên, cơ hội việc làm của ngành rất rộng mở và người học có thể linh hoạt làm các ngành nghề khác như truyền thông, quan hệ công chúng,…
Xã hội học chỉ cần chuẩn bị nền tảng kiến thức lý thuyết là đủ
Ngành họcyêu cầu sinh viên phải học rất nhiều lý thuyết hàn lâm, tuy vậy, sinh viên cũng phải nắm chắc các yếu tố thực tiễn để có thể thực hiện các nghiên cứu xã hội, đưa ra những nhận định, phân tích chuẩn xác hơn.
Những thách thức về Xã hội học
Lượng kiến thức rộng lớn
Xã hội là đối tượng nghiên cứu có phạm vi rất rộng lớn, vì thế, sẽ có rất nhiều tài liệu chuyên ngành với lượng kiến thức ở nhiều lĩnh vực mà bạn bắt buộc phải tìm hiểu và nghiên cứu để đáp ứng yêu cầu của ngành và theo kịp sự biến động của xã hội.
Ngành học quá rộng và hàn lâm

Sinh viên sẽ phải học nhiều lý thuyết hàn lâm vì đây là ngành nặng tính khoa học. Phạm vi của ngành cũng rất rộng. Những điều trên đồng nghĩa với việc các bạn sẽ không được đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cụ thể mà phải tự trau dồi để có thể đáp ứng yêu cầu của việc làm sau này.
Kết luận
Chúng tôi đánh giá rằng cơ hội nghề nghiệp của Xã hội học đang ngày càng mở rộng. Tuy vậy, ngành này chỉ phù hợp với với những bạn đam mê việc tìm tòi, nghiên cứu, hướng ngoại và có khả năng thấu cảm tốt. Mong rằng bài viết trên đã giúp bạn giải đáp được câu hỏi “Xã hội học là ngành gì?” để có thể tìm được hướng đi phù hợp cho tương lai.